05 Tháng Năm 2024

Địa điểm tham quan

Hầm bí mật chứa vũ khí, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1975)

Chuyên mục: | Người đăng: | Ngày đăng: | Số lần xem:

Di tích là căn nhà gạch, vách tường, lợp tôn, gác xép mang số 183/4 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, có kích thước: dài 12m, ngang 5m nằm cách đầu hẻm 7m, đối diện với rạp hát Hòa Bình. Giữa năm 1964, hai ông Nguyễn Văn Trí và Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy đơn vị "Bảo Đảm" mang số bí danh J9T700 thuộc Biệt động thành cùng với chiến sĩ Đỗ Văn Căn, sau khi tìm hiểu nhiều ngày trong khu xóm đã quyết định mua căn nhà nói trên. Một căn nhà nằm gần khu quân sự và cơ quan đầu não của địch, để tạo được sự bất ngờ. Mua xong, theo bố trí, ông Căn đưa gia đình về trú ngụ tại căn nhà này.

Theo địa hình lúc bấy giờ, nhà 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3 (nay là đường 3 tháng 2, quận 10) bị vây bởi một cung rải đều các cơ quan địch, có thể mô tả như sau: đối diện bên kia đường có cơ quan ICCS (The International Commission of Control Supervision - Uủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến), trường Quốc gia hành chánh nằm cạnh bên. Quân vụ Thị trấn và Biệt khu Thủ đô nằm cách nhà 184/3 khoảng 200m đường chim bay. Phía Ngã bảy có Bộ chỉ huy Biệt động quân, sau lưng nhà 183/4 là dãy nhà cao tầng do lính Đại Hàn trú đóng.

Ông Đỗ Văn Căn làm nghề thợ giày (Đỗ Văn Căn còn có tên Hoàng Mạnh Lạc), bí danh Ba Mủ. Anh sinh ở huyện Từ Liêm (Hà Nội). Vào Sài Gòn năm 1941 làm công nhân. Tham gia cách mạng năm 1945. Ngày 29/3/1946, ông cùng Đỗ Minh Đường, Hoàng Nhật Khẩu, Nguyễn Văn Bào ám sát Trần Tấn Phát. Sau đó ông bị bắt. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1963 chuyển sang đơn vị J9T700 thuộc Biệt động thành, hoạt động cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông được cấp trên chỉ định cùng gia đình dọn về căn nhà này, tiếp tục hành nghề sửa và ép giày bằng mủ cao su.

Đầu năm 1965, ông Căn nhận được lệnh gấp rút xây dựng hầm bí mật ngay tại nhà. Đây là công tác tuyệt mật nên ông phải khéo léo thuyết phục đưa cả gia đình về quê một thời gian. Sau khi chuẩn bị mọi vật liệu cần thiết, đợi đến đêm việc đào hầm mới được thực hiện. Trong một tháng ròng rã, ông Căn mới hoàn thành căn hầm. Đất đào lên được mang rải nâng cao nền nhà bếp. Hầm được đào ngay phòng khách: dài 2,2m, ngang 1,8m, sâu 1,7m. Chung quanh hầm xây gạch, tô xi - măng. Một ống cống thông từ hầm đến cống lớn đặt ngoài đường cái. Nắp hầm tạo bởi 6 miếng gạch khớp nhau đậy khít miệng hầm có kích thước: 0,4m x 0,6m. Hai bên nắp có vòng xoắn, dùng đinh vít dài, vặn vòng xoắn chặt để mở và đậy dễ dàng.

Tấm vách gỗ ngăn đôi nhà. Phía trước phòng khách bố trí bộ salon nghi trang trên nắp hầm, phía sau dùng ép đế giày cao su. Hầm hoàn chỉnh, hai cán bộ chỉ huy: Hai Trí và Ba Đen đến kiểm tra. Tháng 7/1965, từ căn cứ Sở cao su Bến Cát, hai đồng chí Dương Long San và Đỗ Tấn Phong chỉ thị cho đồng chí Sáu Mia (một chiến sĩ biệt động) dùng xe tải chở vũ khí giấu trong mủ cao su, đến một cơ sở làm giày tại chợ An Đông. Đây là nhà ông Ba Nhê (cơ sở biệt động thành), nơi gia công đế giày cho các cơ sở đóng giày. Theo hợp đồng và ám hiệu đã qui định, ông Ba Căn sẽ đến nhận những bành cao su "đặc biệt" đem về cất giấu tại hầm bí mật.

Là một chiến sĩ tham gia cách mạng trước năm 1945, có quá trình và kinh nghiệm hoạt động bí mật trong thành phố, Ba Căn bình tĩnh chọn giờ cao điểm, đường xá tấp nập xe cộ, sử dụng xe ba gác đạp đến địa điểm nhận hàng. Trên đường di chuyển, ông phải thuộc lòng các điểm chốt của địch để né tránh. Những chuyến hàng đặc biệt xen lẫn những chuyến hàng thường đảm bảo cho công tác tuyệt mật xuôi lọt. Trong vòng 4 tháng, ba chuyến hàng "đặc biệt" đã chuyển tới hầm bí mật: 50kg thuốc nổ và kíp nổ, 7 tiểu liên AK cùng 21.000 viên đạn, 50 lựu đạn, 1 súng ngắn kèm 50 viên đạn và một số quân trang quân dụng khác.

Giữa năm 1967, nhận được chỉ thị của cấp trên, ông Ba Căn chuẩn bị một số lượng lớn thuốc, bông băng cứu thương... cất giấu sẵn dưới hầm. Trong chuyến kiểm tra thị sát các cơ sở của J9T700 đồng chí Hai Trí và Đỗ Tấn Phong đã xuống tận hầm xem xét. Trong chiến dịch Tổng Tiến công và Nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, một cánh quân xuất phát từ đình Phú Định do Lê Thanh Bình chỉ huy tiến về Sài Gòn qua ngã Cây Gõ sang Phó Cơ Điều - Chợ Thiếc để từ đây hướng về Tổng Nha Cảnh sát Ngụy. Cánh quân này, theo hợp đồng sẽ về điểm hẹn 183/4 đường Trần Quốc Toản tiếp nhận vũ khí, đạn dược. Nhưng khi vượt qua đường Lý Nam Đế, chỉ huy Tư Bình trúng đạn bị thương, một số chiến sĩ hy sinh. Do vậy cánh quân không thể tiến về điểm hẹn.

Sau chiến dịch Tổng Tiến công và Nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, gia đình ông Ba Căn như sống trên đống lửa. Các cuộc lùng sục của địch mở ra liên tiếp ngày đêm. Căn nhà 183/4 đường 3 tháng 2, nơi có hầm bí mật luôn bị địch khám xét tờ khai gia đình, nhưng chúng không tài nào phát hiện. Những lần địch đến gọi cửa khám xét là những lần căng thẳng, hồi hộp và thử thách đối với mọi người trong nhà. Năm 1974, ông Dương Long Sang - bí thư đoàn 195 đến kiểm tra hầm và cho biết kho vũ khí vẫn còn tốt và có thể sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ sắp tới.

Tháng 4/1975, các ông Dương Long Sang, Hai Trí, Ba Đen đến nhà ông Ba Căn vạch phương án khui và sử dụng hầm nhằm chuẩn bị tiến công địa điểm của địch gần nhất. Mục tiêu được chọn là Biệt khu Thủ đô (nay là Bộ chỉ huy Quân sự thành phố), nhưng kế hoạch chưa được thực hiện thì 10 giờ 30 sáng ngày 30/4/1975 địch tuyên bố đầu hàng. Sau 30/4/1975, hầm chứa vũ khí tại 183/4 đường Trần Quốc Toản trở thành di tích lịch sử cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ.

Hàng năm, ngoài các đoàn học sinh sinh viên đến tham quan, di tích còn được các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, nghiên cứu, lưu lại nhiều bút tích nói lên tình cảm sâu đậm đối với các chiến sĩ biệt động nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Do những giá trị nêu trên, di tích được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận theo quyết định số 1288-VH/QĐ ký ngày 16/11/1988.

Theo www.cinet.gov.vn



An error has occurred. Error: Unable to load the Article Details page.
Chuyên mục