1. Vị trí địa lý Phường 11, quận 10 hiện nay phía Bắc giáp phường 12, quận 10; phía Đông giáp phường 4, quận 3; phía Tây giáp phường 10, quận 10; phía Nam giáp phường 1, 3, 4, quận 3. Ranh giới của phường được giới hạn bởi 4 tuyến đường chính: Đường Ba Tháng Hai, đường Trần Minh Quyền, đường Điện Biên Phủ và đường Nguyễn Thượng Hiền. Diện tích tự nhiên là 223.000m2 (chiếm 3,93% diện tích tự nhiên quận 10).
2. Khí hậu Phường 11 là một bộ phận của quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc khí hậu nhiệt đới, gió mùa cận xích đạo với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch. Mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa mùa nắng và mùa mưa, giữa ban ngày và ban đêm cách nhau không lớn. Nhiệt độ trung bình trong vùng là 270C, nóng nhất lên tới 390C – 400C, thấp nhất xuống khoảng 200C.
3. Địa hình – Địa chất Sau nhiều lần vun bồi cho vùng đất trũng, sình lầy, địa hình phường 11 ngày nay tương đối bằng phẳng, không bị chia cắt bởi sông ngòi và kênh rạch. Chiều dài nhất của phường từ đầu đường Trần Minh Quyền – đường Ba Tháng Hai đến đường Nguyễn Thượng Hiền là 1,1 km, chiều ngang hẹp nhất của phường là đoạn đường Trần Minh Quyền dài 200m, địa hình phường là một dải đất hẹp án ngữ một phần phía Đông Nam và Đông Bắc của Quận 10, qua đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thượng Hiền là đã sang đơn vị hành chính Quận 3.
Địa hình – địa chất phường vừa mang những đặc điểm chung của quận nhà, vừa có những sắc thái riêng. Vẫn trong một phường, nhưng tính chất thổ nhưỡng có khác. Từ đường Cao Thắng đến Nguyễn Thượng Hiền là vùng đất cao ráo, dân cư đến cư ngụ sớm hơn. Từ đường Cao Thắng đến đường Trần Minh Quyền là vùng đất trũng mới được san lấp, trước đó chỉ có vài căn nhà sàn cất trên mặt đất sình lầy và những cái chòi cất trên bãi lầy của bàu sen, ao rau muống,… Người dân sống lâu năm ở hẻm 528 đường Điện Biên Phủ, chợ Hai Mươi bây giờ còn nhớ, hồi đó, có những cây cầu bắc qua trũng nước để người dân đi lại. Nay nhà cửa khang trang, hiện đại. Phường 11 không còn những cảnh quan xưa, cũng không có những dinh thự, công trình kiến trúc cổ.
4. Lược sử hình thành, địa danh phường 11 – quận 10
Địa danh và đơn vị hành chính phường 11 – quận 10 ngày nay được chính thức xác lập từ ngày 14 tháng 02 năm 1987 (theo Quyết định số 33-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 14 tháng 02 năm 1987).
Về lịch sử, sau khi chúa Nguyễn xác lập quyền quản lý vùng đất phía Nam, cho đến năm 1836 vùng đất phường 11 ngày nay nằm trong xã Chí Hòa thuộc tỉnh Gia Định.
Nơi đây liên quan đến địa danh “Mả ngụy – Cánh đồng mồ mả”, sau cuộc binh biến của Lê Văn Khôi thất bại, có tới gần 2.000 người bị giết và chôn chung vào những hố nơi vùng đất hoang.
Mô Súng và Đồng Tập Trận: Mô Súng thuộc Ngã Sáu, là ranh giới hành chính giữa quận 10 và quận 3 – nơi có vị trí cao để đặt súng. Đồng Tập Trận khi xưa là dải đất dài (ngày nay gồm cả khu vực phường 11, phường 12, quận 10, cả khuôn viên đất Bộ Tư lệnh Thành phố và Học viện Hành chính).
Đến cuối thế kỷ 19, nơi đây còn những bàu nước trồng sen, lác đác vài căn nhà sàn cất trên mặt nước. Chung quanh bàu sen, có nơi trồng lúa, rau màu và nhiều mồ mả. Đến những năm 1945, nơi đây vẫn còn là vùng đất thấp ao tù, nước đọng, có những cây cầu bắc qua trũng nước để đi lại, nên có tên Xóm Cầu, trong khu vực này còn có Xóm Giếng, là nơi duy nhất trong vùng có giếng nước ngọt phục vụ cư dân và một khu vực sinh hoạt tín ngưỡng tại miếu Thành Hoàng1 mà nhân dân gọi là Xóm Chùa. Có xóm làng tất có chợ, khu vực phường 11 có chợ Hai Mươi hình thành từ năm 1938 và tồn tại đến ngày nay.
Ngày 30 tháng 5 năm 1954 đến năm 1959, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập thay cho địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời gian này vùng đất phường 11 nằm trong khu vực Bàn Cờ, Chợ Đũi, Ngã Bảy thuộc quận 3. 1. Tương truyền Miếu Thành Hoàng là nơi người dân địa phương lập để thờ những oan hồn là tàn binh đã bị giết của Lê Văn Khôi.
Năm 1960, vùng đất phường 11 ngày nay nằm trong địa bàn phường Phan Thanh Giản thuộc quận 3.
Năm 1969, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra Sắc lệnh số 73-SL/NV ngày 01 tháng 7 năm 1969 thành lập hai quận mới ở Đô Thành là quận 10 và quận 11, trên cơ sở một số phường của quận 3, quận 5 và quận 6. Quận 10 gồm 5 phường: Phường Minh Mạng, phường Nguyễn Tri Phương, phường Nhật Tảo, phường Chí Hòa và phường Phan Thanh Giản (phường 11 và phường 10 ngày nay đều thuộc phường Phan Thanh Giản).
Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, tháng 6 năm 1975, phường Phan Thanh Giản được mang tên một địa danh rực rỡ chiến công: Phường Điện Biên Phủ với 7 khóm. Tháng 6 năm 1976, thực hiện sự chỉ đạo của Thành phố, quận 10 từ 5 phường được chia thành 24 phường và các phường mang tên theo số thứ tự từ 1 đến 25; phường Điện Biên Phủ có sự điều chỉnh và thay đổi: Khóm 1, 2 lập thành phường 12; khóm 3, 4 lập thành phường 13; khóm 5, 6, 7 lập thành phường 14
Ngày 14 tháng 2 năm 1987, thực hiện Quyết định số 33-QĐ/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về “Điều chỉnh địa giới hành chính”, phường 14 được đổi tên là phường 11 gồm 6 khu phố và ổn định về hành chính, địa giới cho đến nay và là một trong 15 đơn vị hành chính của quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh. *
PHƯỜNG 11 NGÀY NAY
Đảng bộ và nhân dân trong phường đã cùng nhau nỗ lực vượt mọi khó khăn, từng bước phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở làm cho cảnh quan phố phường ngày một khang trang. Chính quyền vững mạnh, an ninh ổn định, đời sống vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Theo số liệu thống kê năm 2012, phường 11 có 10.893 nhân khẩu; trong đó, 4.876 nam và 6.017 nữ; với khoảng 2.580 hộ. Số người trong độ tuổi lao động trên 6.923 người, chiếm gần 62,8% dân số; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm là 0,19%.
1. Về thành phần dân tộc Cư dân sinh sống trên địa bàn phường có 90% là người Kinh (10.338 người), người Hoa chiếm tỷ lệ 5,1% (527 người), còn lại là người Chăm (gần 100 người) và các dân tộc khác. Các dân tộc sinh sống trên địa bàn phường luôn mang truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
2. Về tôn giáo Địa bàn phường hiện nay có 06 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Chùa Giác Minh, chùa Khánh Anh, chùa Long Hoa, chùa Phước Hải, Hội thánh Tin Lành, miếu Thành Hoàng Bổn Cảnh. Trong phường có 3.792 người theo đạo Phật, 957 người theo đạo Công giáo, một số ít người theo đạo Tin Lành, đạo Cao Đài. Phần lớn nhân dân trong phường duy trì khá phổ biến tín ngưỡng dân gian, lễ nghi dân tộc như thờ cúng tổ tiên. Hàng năm, những ngày lễ lớn của các tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc mang tính văn hóa của nhân dân phường như Phật Đản, Vu Lan báo hiếu, ngày mồng một, ngày rằm, lễ Kỳ Yên, Giáng sinh,... cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà sống ấm no, hạnh phúc đều được tổ chức.
3. Về sự nghiệp giáo dục Phường có ba trường công lập: Một trường Mầm Non, một trường tiểu học, một trường Chuyên Biệt; có bốn trường dân lập: ba trường dạy ngoại ngữ, một trường Nghiệp vụ du lịch; một chi nhánh trường Đại học Kinh tế hoạt động trên địa bàn. Phường đã thực hiện tốt công tác giáo dục, đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1, nhiều năm liền được công nhận đạt tiêu chí phổ cập cấp 1, 2, 3. Công tác khuyến học được duy trì với việc xây dựng “Quỹ Bảo trợ học sinh nghèo”, chăm lo 100% chi phí học tập cho các cháu gia đình nghèo học tại trường tiểu học Điện Biên và học sinh giỏi trong phường. Học sinh cấp trung học được chăm lo bằng các học bổng “Nguyễn Hữu Thọ” của Mặt trận Tổ quốc, “Nguyễn Thị Minh Khai” của Hội Phụ nữ; “Lê Văn Tám” của Đoàn Thanh niên; “Nguyễn Đức Cảnh” của Công đoàn; bình quân trên 50 học bổng/năm. Phường tổ chức khen thưởng học sinh giỏi các cấp bình quân là 330 em/năm.
4. Về sự nghiệp y tế Phường có một trạm Y tế và các phòng khám tư nhân. Phường đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình Y tế quốc gia về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiêm chủng mở rộng, tiêm ngừa vacxin phòng chống dịch bệnh ở trẻ em, quản lý tốt các đối tượng bệnh xã hội, bệnh mãn tính, kịp thời dập tắt các điểm phát sinh dịch bệnh như sốt xuất huyết, cúm A/H1N1. Các cơ quan chức năng phối hợp rà soát kiểm tra thực hiện các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; thường xuyên tổ chức truyền thông, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho diện chính sách, người cao tuổi, bình quân trên 400 lượt người/năm.
5. Về sự nghiệp văn hóa Nhà Văn hóa phường hình thành từ năm 1984, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng kinh phí là 229.300 đồng; sau đó, được xây dựng mới năm 2000 từ ngân sách. Thiết chế Nhà Văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống văn hóa, hội họp của nhân dân; do vậy, được sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn phường. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đa dạng, phong phú. Năm 2010, phường được Thành phố công nhận là “Phường Văn hóa” giai đoạn (2007 – 2009).
6. Các địa chỉ đỏ Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn phường có 9 địa chỉ đỏ: ba địa chỉ nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng; hai cơ sở hội họp của sinh viên, học sinh; một nơi in tài liệu của phong trào sinh viên học sinh; một nơi tiếp tế thuốc men và nuôi giấu cán bộ, một cơ sở Phật giáo và một hầm cất giấu vũ khí bí mật để phục vụ chiến đấu Mậu Thân năm 19684 . Tại phường có 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 117 gia đình liệt sĩ cư ngụ. Từ sau năm 1975 đến nay, phường chăm lo tốt các diện chính sách và ghi ơn những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
7. Hệ thống chính trị của phường
7.1 Về tổ chức Đảng: Đảng bộ phường hiện có 221 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ: 6 Chi bộ khu phố, 1 Chi bộ Cơ quan, 1 Chi bộ Công an, 1 Chi bộ Quân sự, 3 Chi bộ trường học và 1 Chi bộ Hợp tác xã. Phường có 79 đảng viên được trao Huy hiệu 30 – 60 năm tuổi Đảng, có 301 đảng viên đương chức đang sinh hoạt tại địa phương theo Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
7.2 Về chính quyền: Ủy ban nhân dân phường có 33 cán bộ nhân viên. Ban Chỉ huy Công an phường có 15 cán bộ chiến sĩ thường trực. Ban Chỉ huy Quân sự phường có 13 cán bộ chiến sĩ thường trực. Tại 6 khu phố có 6 Ban Điều hành với 18 thành viên, có Ban Điều hành 51 tổ dân phố với 102 thành viên và 06 Ban vận động Khu dân cư văn hóa.
7.3 Mặt trận Tổ quốc phường có 31 thành viên, 6 Ban Công tác Mặt trận khu phố. 4. Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm1988 của Bộ Văn hóa - Thông tin.
- - Hội Liên hiệp Thanh niên phường có 239 hội viên; 16 Chi hội, CLB, đội nhóm.
- - Đoàn Thanh niên Cộng sản phường có 102 đoàn viên, với 11 chi đoàn: 6 chi đoàn khu phố, 1 chi đoàn Công an, 1 chi đoàn Dân quân tự vệ, 2 chi đoàn trường học, 1 chi đoàn cơ quan.
- - Hội Liên hiệp Phụ nữ phường có 722 hội viên, với 6 chi hội và 51 tổ hội.
- - Hội Cựu chiến binh phường có 139 hội viên, với 06 chi hội.
- - Hội Người cao tuổi phường có 962 hội viên.
- - Hội Chữ thập đỏ phường có 504 hội viên.
- - Nghiệp đoàn Tiểu thủ công nghiệp phường có 45 thành viên.
- - Thanh tra nhân dân có 9 thành viên.
Gắn với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn – Gia Định xưa, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, có thể khẳng định: Công lao khai phá, xây dựng và giữ gìn vùng đất nay là phường 11 thuộc về nhân dân lao động yêu nước. Những thành quả ngày nay đều gắn liền với sự nỗ lực vượt bậc của nhiều thế hệ đồng bào cư trú, lao động tại phường. Cùng với Thành phố, nhân dân phường 11 đã trải qua những chặng đường lịch sử cách mạng đầy cam go, thử thách nhưng rất hào hùng và vô cùng vẻ vang.